Kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ sau một tháng Cục Đường bộ Việt Nam đi vào hoạt động với mô hình mới

Ngày 31/10/2022, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị giao ban kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 10 và định hướng trọng tâm công tác tháng 11.

Triển khai thực hiện Quyết định số 1218/QĐ-BGTVT ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục đã khẩn trương sắp xếp lại tổ chức, thể chế, pháp nhân, nhân sự, chuyển đổi chức vụ lãnh đạo cho các đơn vị; ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của các phòng tham mưu, các nội quy, quy chế của đơn vị.

Sau khi được tổ chức lại, Cục Đường bộ Việt Nam đã nhanh chóng rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ. Theo báo cáo của Phòng Tổ chức – Hành chính, trong tháng 10/2022, Cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải 03 Thông tư: (1) Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư trong lĩnh vực vận tải, quản lý phương tiện và người lái; (2) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng bảo trì và bảo vệ đường bộ; (3) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều các Thông tư về trạm thu phí, giá dịch vụ sử dụng đường bộ; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều các Thông tư liên quan đến thanh tra chuyên ngành giao thông đường bộ. Cục đã rà soát, báo cáo công tác sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất là trụ sở của Cục Đường bộ Việt Nam, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác và đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống quốc lộ thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Về công tác kế hoạch và tài chính, tính đến hết tháng 10/2022, Cục đã giải ngân đạt 60,1% kế hoạch vốn đầu tư công được giao, đáp ứng kế hoạch đăng ký với Bộ Giao thông vận tải; giải ngân 73,5% vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ; tổ chức xét duyệt quyết toán vốn sự nghiệp kinh tế 561/906 dự án; thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành 06/11 dự án xây dựng cơ bản, 23/62 dự án LRAMP.

Về công tác đảm bảo an toàn giao thông, ứng phó khẩn cấp với thiên tai, Cục đã ban hành kịp thời 05 Công điện chỉ đạo các Khu QLĐB, Sở GTVT chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; ban hành các Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi. Tổng kinh phí đảm bảo giao thông bước 1 trên các tuyến quốc lộ trong tháng 10/2022 khoảng 110 tỷ đồng.

Về công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục đã tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan để điều chỉnh phần mềm sử dụng CSDL quốc gia về dân cư để thực hiện Dịch vụ công mức độ 4 đổi GPLX trên phạm vi toàn quốc; tiếp tục thử nghiệm phần mềm tiếp nhận và quản lý dữ liệu giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên.

Đồng chí Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao, ghi nhận sự cố gắng của tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Đường bộ Việt Nam trong tháng 10/2022 vửa qua; đồng thời yêu cầu các phòng tham mưu phải xây dựng chương trình công tác cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ tháng 11 đã đề ra, nếu có khó khăn cần kịp thời báo cáo lãnh đạo Cục. Cục trưởng đặc biệt nhấn mạnh công tác an toàn giao thông, phòng chống thiên tai: “Khi xảy ra bão lũ, việc hót sụt thông tuyến bắt buộc phải làm để đảm bảo an toàn giao thông, đề nghị các Khu QLĐB và các Sở GTVT thực hiện ngay để đảm bảo lưu thông trên tuyến”.

Trong tháng 11/2022, Cục Đường bộ Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

– Tích cực phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ GTVT để sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

– Quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các Chủ đầu tư/Ban QLDA thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ năm 2022 đảm bảo hoàn thành giải ngân toàn bộ vốn giao năm 2022; quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, giải phóng mặt bằng các dự án đang triển khai.

– Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe và camera giám sát kinh doanh vận tải; triển khai ca bin điện tử; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công mức độ 4 đổi GPLX trên công dịch vụ công quốc gia.

– Tập trung triển khai thực hiện kết quả Hội nghị nâng cao chất lượng công tác quản lý BDTX và chất lượng các công trình sửa chữa đường bộ.

– Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022; thường trực 24/24h trong công tác phòng chống lụt bão, kịp thời ứng cứu khắc phục nhanh các sự cố cầu đường; tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe và quản lý, bảo trì nhằm hạn chế sự xuống cấp của các tuyến đường bảo đảm giao thông an toàn thông suốt.

– Tiếp tục triển khai thủ tục lập và phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục; các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số năm 2022; duy trì hoạt động trang thông tin điện tử, hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống phần mềm và dịch vụ công trực tuyến của Cục; kịp thời xử lý các bất cập của hệ thống thu phí tự động không dừng.

Phòng Tổ chức – Hành chính