Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo các bên chứng kiến lễ ký kết các văn kiện giữa 2 quốc gia. Ảnh: Trí Phong
Trong bối cảnh hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc thống nhất đẩy mạnh quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược, hợp tác về cơ sở hạ tầng – đặc biệt là giao thông đường bộ – được xác định là một trong những trụ cột quan trọng.
Bản ghi nhớ lần này là bước triển khai cụ thể hóa các định hướng lớn tại Tuyên bố chung Việt – Trung tháng 12/2023, đồng thời là một phần thiết yếu trong Kế hoạch thúc đẩy kết nối giữa sáng kiến “Hai hành lang, Một vành đai” của Việt Nam và “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Hợp tác kỹ thuật đường bộ không chỉ đơn thuần là chia sẻ công nghệ xây dựng đường, cầu, hầm, mà còn liên quan đến những khía cạnh rộng lớn hơn như: Đồng bộ tiêu chuẩn thiết kế – xây dựng – vận hành: Đảm bảo sự kết nối liền mạch, an toàn, hiệu quả giữa hạ tầng hai quốc gia, đặc biệt là các tuyến đường xuyên biên giới; Ứng dụng công nghệ mới và vật liệu xanh: Hướng đến xây dựng giao thông bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong ngành xây dựng; Phát triển hệ thống giao thông thông minh: Kết nối kỹ thuật số trong quản lý khai thác, bảo trì, thu phí không dừng, giám sát giao thông – từ đó nâng cao năng lực quản lý, điều hành; Tăng cường khả năng phòng chống thiên tai và rủi ro: Với địa hình và khí hậu đặc thù, hợp tác trong nghiên cứu xử lý địa chất phức tạp, ứng phó sạt lở, lũ quét là yêu cầu thiết thực đối với cả Việt Nam và Trung Quốc.
Việc xác định rõ 7 lĩnh vực hợp tác trong Bản ghi nhớ cho thấy một tầm nhìn toàn diện và sâu sắc, không chỉ ở kỹ thuật mà cả ở chiều sâu quản lý, vận hành và bảo vệ công trình hạ tầng.
Việc ký kết Bản ghi nhớ lần này cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ và tầm nhìn chiến lược của hai nước trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng bền vững, gia tăng kết nối liên vùng và liên quốc gia, từ đó phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Hợp tác kỹ thuật đường bộ Việt – Trung, với nội hàm sâu sắc và cơ chế thực hiện cụ thể, hứa hẹn mang lại nhiều kết quả thiết thực trong thời gian tới, đặc biệt khi hai nước đang cùng hướng đến những mục tiêu phát triển mới trong thời đại chuyển đổi xanh – chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu.