Thông tư gồm 8 chương, 33 điều, thay thế hoàn toàn Thông tư số 39/2024/TT-BGTVT, chuyển thẩm quyền cấp phép lưu hành xe về Sở Xây dựng, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng chủ trương của Chính phủ, nâng cao tính chủ động, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Những điểm mới quan trọng:
- Đổi tên cơ quan quản lý từ Bộ GTVT sang Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan.
- Bổ sung, sửa đổi quy định cụ thể về tải trọng trục xe, khối lượng toàn bộ, kích thước xếp hàng hóa; không cấp phép cho xe chở quá khối lượng thiết kế.
- Bỏ thủ tục đề nghị của UBND cấp huyện đối với xe phục vụ phòng chống thiên tai, khẩn cấp, thay bằng đề nghị của cơ quan thực hiện nhiệm vụ.
- Bổ sung Phụ lục XV, mẫu biểu khảo sát đường bộ phục vụ lưu hành xe.
- Bổ sung Phụ lục XVI, quy định các trường hợp không phải khảo sát đường bộ khi cấp phép lưu hành xe trên đường cao tốc, đường cấp I, II, III, IV.
- Sửa đổi, bổ sung các mẫu đơn, giấy phép, báo cáo khảo sát theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính.
- Quy định cụ thể trách nhiệm Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Xây dựng, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các đơn vị vận tải, lái xe, người xếp hàng trong việc tuân thủ quy định về xếp hàng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, đảm bảo an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch trong quản lý tải trọng, khổ giới hạn đường bộ và công tác cấp phép lưu hành xe. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn, giảm thiểu hư hỏng công trình đường bộ trong quá trình khai thác.