Cục đường bộ Việt Nam

Department For Roads Of Viet Nam

  • :
  • :
Chất lượng là vấn đề sống còn
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy tối đa hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc lớn

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ". Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, 100% các tuyến đường cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh; hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu…

Phát huy tối đa hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc lớn

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: VIDIFI

Giúp người dân lưu thông thuận lợi, an toàn

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong bối cảnh các dự án cao tốc đang liên tiếp được hoàn thành, đưa vào khai thác, thì việc đồng bộ hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh (ITS) sẽ là giải pháp tối ưu để các công trình phát huy hiệu quả, người dân lưu thông thuận lợi, an toàn.

Được biết, giao thông thông minh là hệ thống gồm các thiết bị được ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ để điều khiển, điều hành và quản lý các hệ thống GTVT. Việc áp dụng ITS tất cả công việc như: Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn, xử lý vi phạm… sẽ được công nghệ, phần mềm chuyên dụng thực hiện. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa hệ thống quản lý giao thông không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao thông mà còn tối ưu chi phí quản lý và hiệu quả đầu tư.

Trên thế giới, rất nhiều nước phát triển như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đã đầu tư hệ thống ITS không chỉ cho các tuyến cao tốc mà còn ứng dụng rộng rãi với hệ thống giao thông đô thị. Bằng việc tích hợp các công nghệ tiên tiến như cảm biến, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) vào cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông, đã nâng cao hiệu quả vận hành và an toàn của mạng lưới giao thông, giảm số lượng tai nạn và hạn chế tác động đến môi trường.

Thực tế, trong tiến trình đầu tư, nhiều dự án giao thông đã được chú trọng đầu tư hệ thống ITS nhưng sự thông minh, tối ưu lại chưa đạt được như kỳ vọng. Đơn cử, tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ khi đi vào khai thác đã được đầu tư hệ thống ITS, giúp kiểm soát mọi hoạt động dọc tuyến và kịp thời xử lý các tình huống giao thông.

Theo đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư công trình, ngay từ khi lập dự án, đơn vị đã thuê tư vấn thiết kế triển khai, ứng dụng hệ thống ITS gồm nhiều thành phần như: quản lý giao thông, hệ thống camera quan sát, camera dò đếm xe, biển báo thông tin thay đổi, giám sát tải trọng xe, thu phí, liên lạc nội bộ... Hiệu quả mang lại rất tích cực, song việc vận hành hệ thống vẫn cần một bộ máy nhân sự để theo dõi, phát hiện sự cố, giám sát liên tục hình ảnh camera truyền về qua màn hình.

Trường hợp xảy ra sự cố, nhân sự phải nhập dữ liệu thủ công để thông báo trên màn hình VMS cảnh báo các chủ phương tiện lưu thông trên tuyến nên có độ trễ nhất định, chưa bảo đảm tính tức thời.

Trung tâm điều hành - giám sát giao thông sẽ tổng hợp tín hiệu từ các thiết bị ngoại vi trong hầm và ngoài tuyến (CCTV, VMS, cảm biến...) để đưa ra các kịch bản vận hành hợp lý, kịp thời, đảm bảo an toàn. Đồng thời được tích hợp tính năng sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phân tích tình huống, hỗ trợ người giám sát giao thông đưa ra quyết định phù hợp khi xảy ra sự cố.

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các tuyến cao tốc

Phát huy tối đa hiệu quả khai thác các tuyến cao tốc lớn

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là 1 trong 6 tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Cũng theo Bộ GTVT, hệ thống ITS được đầu tư đồng bộ sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các tuyến cao tốc Bắc - Nam. Trong giai đoạn 2023-2025, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy hoạch hệ thống ITS quốc gia và kiến trúc ITS quốc gia đến năm 2030.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đầu tư, khai thác hệ thống ITS và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn sử dụng trong đầu tư và vận hành hệ thống ITS; chuẩn bị và thực hiện đầu tư đối với hệ thống ITS cho các tuyến cao tốc đã và đang đầu tư.

Đồng thời, phía Bộ GTVT sẽ hoàn thiện, thống nhất mô hình các giai đoạn phát triển của hệ thống thu phí không dừng (ETC); triển khai đầu tư hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc (thu không dừng, không có barie đầu vào) đảm bảo phù hợp điều kiện và đồng bộ trên toàn hệ thống đường cao tốc.

Giai đoạn 2025-2030 sẽ triển khai xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; kết nối các trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến về trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; vận hành trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia đối với hệ thống đường cao tốc.

Giai đoạn sau 2030, tiếp tục hoàn thiện hệ thống ITS các tuyến cao tốc được đầu tư hoàn chỉnh; kết nối các trung tâm ITS tuyến thuộc địa phương về trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; vận hành Trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, Bộ GTVT yêu cầu hệ thống trang thiết bị phải đảm bảo hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến; kết nối đồng bộ, hiệu quả giữa các trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến với trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh quốc gia; lộ trình triển khai thực hiện mô hình đề xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam, tương thích kết nối với chuẩn hệ thống ITS trên thế giới, đảm bảo hiệu quả khai thác đường cao tốc, nâng cao năng lực quản lý điều hành của ngành GTVT.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ đầu tư, tư vấn rà soát, nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng hệ thống ITS và trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đáp ứng yêu cầu khai thác đường bộ cao tốc.

Nguồn: Thời báo tài chính


Chuyên mục