Ngày 24/10/2023, tại trụ sở Cục Đường bộ Việt Nam, đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Thành phần tham gia hội nghị gồm có đại diện Bộ Giao thông vận tải, Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông và đại diện một số Sở GTVT các tỉnh, thành phố.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo tham luận về tình hình quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các giải pháp khắc phục và kiến nghị các quy định pháp luật cần sửa đổi. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an có tham luận về tình hình tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, báo cáo kết quả cao điểm “Tổng kiểm tra các phương tiện kinh doanh vận tải”; các giải pháp khắc phục và kiến nghị các quy định pháp luật cần sửa đổi trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đã có những đánh giá về thực trạng tại địa phương, các giải pháp khắc phục và kiến nghị các quy định pháp luật cần sửa đổi trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Báo cáo tham luận của Cục Đường bộ Việt Nam
Báo cáo tham luận của Cục Cảnh sát giao thông
Kết luận cuộc họp, đồng chí Khuất Việt Hùng đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam tiêp thu ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trước khi sửa đổi cần xây dựng phương án dể đảm bảo tính khả thi với mục tiêu đảm bảo phát triển hài hoà, cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải, hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng trá hình tuyến cố định” nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, đồng chí Khuất Việt Hùng đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý; đặc biệt là các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 965/QĐ – BGTVT ngày 07/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến 2030”.
Đối với các địa phương, trong thời gian nghiên cứu sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật cần có các giải pháp để kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
Nguồn: Phòng Quản lý vận tải, phương tiện & người lái