Cục đường bộ Việt Nam

Department For Roads Of Viet Nam

  • :
  • :
Chất lượng là vấn đề sống còn
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng GTVT: Tăng cường kiểm tra, giám sát khi phân cấp quản lý quốc lộ

Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục Đường bộ VN phải tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng bảo trì đường bộ sau khi phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025.

Ưu tiên phân bổ vốn bảo trì cho địa phương khó khăn

Hôm nay (27/12), Cục Đường bộ VN tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhấn mạnh, trong suốt chặng đường gần 80 năm, ngành GTVT nói chung và Đường bộ nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng khai thác hệ thống giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi, an toàn cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân.

Bộ trưởng GTVT: Tăng cường kiểm tra, giám sát khi phân cấp quản lý quốc lộ- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Tạ Hải)

Nhấn mạnh lĩnh vực đường bộ là "xương sống" của ngành GTVT, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, năm 2024 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành GTVT đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó nổi bật là hoàn thiện thể chế chính sách.

Luật Đường bộ, chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua; đang hoàn thiện thủ tục đến cuối năm khởi công dự án cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. 

Các dự án trọng điểm quốc gia của ngành cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc Bắc - Nam.

Trong bối cảnh đó, Cục Đường bộ VN đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ như: hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quyết liệt triển khai công tác phân cấp, phân quyền toàn diện trên các lĩnh vực công tác; thực hiện đổi mới mạnh mẽ, triệt để công tác quản lý các dự án sửa chữa đường bộ; tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn thừa nhận, còn một số tồn tại, hạn chế như có một số cá nhân và tập thể thuộc Cục Đường bộ có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải thi hành kỷ luật. Đây là bài học xương máu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để lặp lại.

Khẳng định năm 2025 là năm đột phá toàn diện trên tất cả các mặt của ngành, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục Đường bộ VN tiếp tục rà soát cập nhật hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về đường cao tốc, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu, đảm bảo vận hành an toàn công trình.

"Cục phải quyết liệt triển khai phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025; Triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị tiếp nhận, đảm bảo thống nhất với các quy định hiện hành.

Trong phân bổ ngân sách quản lý, bảo trì đường bộ phải tập trung cho các địa phương khó khăn, nhất là các địa phương vùng miền núi. Các dự án bảo trì cần đảm bảo có quy mô lớn, không sửa chữa manh mún, nhỏ lẻ. Sau khi phân cấp phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng bảo trì đường bộ", Bộ trưởng chỉ đạo.

Tư lệnh ngành GTVT cũng yêu cầu Cục Đường bộ cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng công tác bảo trì hệ thống quốc lộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số để nâng cao năng lực thực thi công vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Về tổ chức cơ cấu bộ máy, Bộ trưởng yêu cầu rà soát, sắp xếp để tinh gọn bộ máy của Cục, đảm bảo nâng cao hiệu quả.

Chú trọng đổi mới hoạt động vận tải, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân; Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như chở quá khổ, quá tải, xe dù, bến cóc.

Bộ trưởng GTVT: Tăng cường kiểm tra, giám sát khi phân cấp quản lý quốc lộ- Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Tạ Hải).

Nhiều đổi mới trong bảo trì đường bộ

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, trong xây dựng Chính phủ điện tử, đã hoàn thành kết nối, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 96,4% GPLX; Thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình đổi GPLX do ngành GTVT cấp trên hệ thống Dịch vụ công quốc gia.

Đối với bảo trì đường bộ, năm 2024, Cục được giao 12.100 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, Cục đã tập trung đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân cả năm đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.

Sự đổi mới quan trọng trong năm 2024 là Cục không làm chủ đầu tư dự án bảo trì mà nhiệm vụ này được giao cho các Khu Quản lý đường bộ; Gần 50% số danh mục công trình, từ 678 danh mục ghép thành 389 danh mục.

Năm 2024, Cục cũng đổi mới mạnh mẽ, triệt để công tác quản lý các dự án sửa chữa định kỳ đường bộ, không làm chủ đầu tư các dự án đường bộ để tập trung công tác quản lý Nhà nước và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của người quyết định đầu tư.

Đến nay, các dự án sửa chữa đã cơ bản hoàn thành phê duyệt và tổng hợp trình Bộ GTVT xem xét kế hoạch bảo trì năm 2025 với kinh phí là 12.872 tỷ đồng.

Quán triệt thực hiện chủ trương phân cấp triệt để cho địa phương với tinh thần "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Cục Đường bộ VN đã triển khai công tác chuẩn bị để đảm bảo việc thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ ngay sau khi Nghị định thi hành Luật Đường bộ có hiệu lực.

Dự kiến, sau khi phân cấp, Bộ GTVT sẽ chỉ trực tiếp quản lý khoảng 3.650km quốc lộ và đường cao tốc, chiếm khoảng 16% tổng số chiều dài quốc lộ; Phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý khoảng 19.000km, chiếm khoảng 84% tổng số chiều dài quốc lộ.

Nguồn: Báo Giao thông


Chuyên mục