Chiều ngày 7/9, Cục trưởng Cục Đường bộ VN Bùi Quang Thái đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Khu Quản lý đường bộ và các Sở GTVT nằm trong ảnh hưởng của cơn bão số 3 về công tác phòng, chống, ứng trực, đối phó và khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.
Theo báo cáo nhanh của các Khu QLBĐ I, II, III và các Sở GTVT Quảng Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La, Nghệ An, tính đến 14h ngày 7/9 về tình hình giao thông trên tuyến được bảo đảm an toàn, chưa có thiệt hại do mất ATGT; một số tuyến đường cây gãy đổ, đã được cắt dọn, bảo đảm an toàn giao thông. Khu QLĐB I đã cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua cầu: Cầu Đình Vũ (tuyến Tân Vũ – Lạch Huyện) và Cầu Bãi Cháy trên QL18 tại thành phố Hạ Long, Cầu Kiền QL10 tại thành phố Hải Phòng. Các bến phà Cồn Nhất (QL37 Thái Bình - Nam Định), phà Đại Nội (QL21B), phà Đống Cao và cầu phao Ninh Cường trên QL37B Nam Định đã dừng khai thác từ 17 giờ ngày 06/9 để bảo đảm an toàn. Bến phà Vạn Yên QL43 tỉnh Sơn La đang khai thác hạn chế và được Sở GTVT Sơn La theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng tạm dừng khai thác khi bão đến, hoặc gió lớn, lũ mạnh trên sông Đà để bảo đảm an toàn.
Cắt tỉa cây bị đổ trên đường Hồ Chí Minh
Trên các tuyến QL chưa xảy ra tình trạng ngập úng, sạt lở ta luy.
Sau khi nghe báo cáo từ các địa phương và các Khu Quản lý đường bộ, Cục trưởng Bùi Quang Thái đã yêu cầu các đơn vị huy động mọi nguồn lực, chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Ông Thái yêu cầu các đơn vị vào cuộc với tinh thần "Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước" theo dõi diễn biến và của bão tại các địa phương, nhất là tại các công trình cầu đường chịu tác động lớn của mưa bão.
Bên cạnh đó, ông Thái cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các Công điện của Chính phủ, Bộ GTVT và Cục để chủ động triển khai phương án đảm bảo giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, kho tàng, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Thực hiện phân luồng giao thông ngay khi ách tắc giao thông, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với Cảnh sát giao thông khi phân luồng.
Sẵn sàng vật tư như: Dầm, phao, máy móc, thiết bị, nhân lực sẵn sàng đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố cầu, đường; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Bên cạnh đó yêu cầu các đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thực hiện công tác ứng trực, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông; khẩn trương khắc phục để thông xe, nhất là đối với các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị cô lập; tổ chức các đoàn công tác đến ngay các vị trí sạt lở có địa hình phức tạp đề ra các giải pháp khắc phục để thông xe nhanh nhất. Ngoài lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị của lực lượng tại chỗ của các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, phải huy động thêm vật tư, thiết bị, máy móc, thiết bị cũng như nhân lực trong và ngoài ngành để triển khai công tác khắc phục.
Được biết trước đó, để chủ động đối phó với cơn bão số 3, ngay từ ngày 05/9, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức 5 Đoàn công tác kiểm tra tại các tuyến đường và công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của bão của các đơn vị và làm việc với các Sở GTVT từ Quảng Ninh đến Bình Định. Hiện nay còn 1 Đoàn công tác đang tiếp tục làm việc với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên. Đặc biệt, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cục ĐBVN đã tổ chức trực chỉ huy tại Trụ sở Cục ĐBVN từ ngày 07-10/9/2024 và duy trì kết nối trực tuyến tại với các địa phương để kịp nắm bắt thông tin, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Nguồn: Tạp chí giao thông