Cục đường bộ Việt Nam

Department For Roads Of Viet Nam

  • :
  • :
Chất lượng là vấn đề sống còn
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng các phương án ứng phó mưa bão, đảm bảo an toàn công trình, ATGT đường bộ trên địa bàn miền Trung

Nhằm đảm bảo an toàn công trình giao thông đường bộ, ATGT các tuyến quốc lộ trên địa bàn miền Trung, Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, nhà đầu tư BOT chủ động các phương án ứng phó với mưa bão số 3, kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông.

Sẵn sàng các phương án ứng phó mưa bão, đảm bảo an toàn công trình, ATGT đường bộ trên địa bàn miền Trung - Ảnh 1.

Khu QLĐB III làm việc với các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, nhà đầu tư BOT về công tác phòng chống bão số 3

Ngày 6/9, làm việc với các đơn vị quản lý đường bộ, hạt quản lý đường bộ, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, nhà đầu tư BOT trên địa bàn các tỉnh miền Trung, lãnh đạo Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) yêu cầu, các đơn vị, nhà thầu, doanh nghiệp dự án sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 3, bảo vệ công trình giao thông đường bộ, bảo đảm ATGT trên các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông, giúp người dân và phương tiện đi lại an toàn, kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn.

Trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão số 3 tại địa bàn tỉnh Bình Định trong sáng 6/9, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Giám đốc Khu QLĐB III yêu cầu các đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, các nhà đầu tư BOT trên QL1, QL1D thuộc địa phận tỉnh Bình Định chủ động theo dõi diễn biến của bão số 3 (được dự báo là siêu bão với tên quốc tế là Yagi) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc bộ và đi vào đất liền khu vực Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ với cấp gió lên đến cấp 10 - 14, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển và mưa trên đất liền diện rộng. 

"Nằm trong địa bàn, khu vực chịu ảnh hưởng bão số 3, nhất là khu vực miền Trung có địa hình, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy tuyệt đối không được chủ quan trong công tác ứng phó với bão số 3. Mưa bão thường kéo theo lũ, sạt lở, các tình huống thiên tai khó lường, cho nên các đơn vị phải xây dựng các phương án ứng phó, huy động nhân lực, thiết bị, vật tư ứng trực đảm bảo an toàn công trình, ATGT, kịp thời phát hiện và khắc phục, xử lý các sự cố công trình, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn", ông Nam nhấn mạnh.

Từ thực tế công tác quản lý giao thông đường bộ trên địa bàn, ông Nam nhìn nhận, miền Trung là địa bàn thường xuyên hứng chịu thiên tai, mưa bão. Thiên tai, mưa bão thường gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản, trong đó ngành GTVT thường xuyên bị thiệt hại nặng nề. Để phòng ngừa thiệt hại, bảo vệ tốt các công trình giao thông, công tác phòng ngừa thiên tai, mưa bão là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, các đơn vị, nhà thầu cần có những phương án phòng chống mưa bão bài bản, khoa học, với phương châm "4 tại chỗ".

Sẵn sàng các phương án ứng phó mưa bão, đảm bảo an toàn công trình, ATGT đường bộ trên địa bàn miền Trung - Ảnh 2.

Sẵn sàng các phương án ứng phó mưa bão, đảm bảo an toàn công trình, ATGT đường bộ trên địa bàn miền Trung - Ảnh 3.

Sẵn sàng các phương án ứng phó mưa bão, đảm bảo an toàn công trình, ATGT đường bộ trên địa bàn miền Trung - Ảnh 4.

Sẵn sàng các phương án ứng phó mưa bão, đảm bảo an toàn công trình, ATGT đường bộ trên địa bàn miền Trung - Ảnh 5.

Hình ảnh công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị, phương tiện nhằm ứng phó với mưa bão số 3 tại tỉnh Bình Định

Tối ngày 5/9, sau khi Bộ GTVT có công điện gửi các cục quản lý chuyên ngành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam và các sở GTVT từ Lào Cai đến Bình Định chủ động thực hiện phương án phòng chống mưa bão số 3, Cục Đường bộ VN đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống, ứng phó với bão số 3; công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó và bố trí lực lượng sẵn sàng khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 gây ra tại các cơ quan, đơn vị.

Kiểm tra kết cấu hạ tầng đường bộ, nhất là các công trình xung yếu: Bến phà, cầu phao, công trình neo đậu phà, ca nô, phao, ngầm, tràn, vị trí nguy cơ ngập, sạt lở đất, đá; các vị trí đã hư hỏng chưa khắc phục xong; xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế phối hợp trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các lực lượng khác ở địa phương trong công tác phòng chống thiên tai và công tác đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão. 

Xây dựng và tổ chức phương án đảm bảo giao thông khi có các tình huống thiên tai gây ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ thường xuyên bị ách tắc trong mùa mưa lũ trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn quản lý. Thống kê, báo cáo tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị, vật tư dự phòng phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các kho tàng, bến bãi chứa vật tư dự phòng. Chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Cục Đường bộ VN.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các sở GTVT kiểm tra toàn bộ các bến phà, cầu phao và các phương tiện vượt sông được giao quản lý, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò ngang trái phép. Các phương tiện vượt sông đưa vào sử dụng phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn. Không tổ chức vận chuyển hành khách sang sông trong điều kiện thời tiết giông, bão, lũ lớn.

Nguồn: Tạp chí giao thông


Chuyên mục