Cục đường bộ Việt Nam

Department For Roads Of Viet Nam

  • :
  • :
Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng! - Đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, trách nhiệm, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao thông cơ bản thông suốt sau bão Wipha: Nỗ lực không ngừng của ngành Đường bộ và chính quyền địa phương

Trước diễn biến mưa lớn kéo dài sau bão Wipha, ngành Đường bộ và chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai lực lượng, phương tiện khắc phục kịp thời sạt lở, ngập úng, đảm bảo giao thông thông suốt trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm.

 

Đoàn công tác của Cục ĐBVN, Khu QLĐB I và các cơ quan, đơn vị kiểm tra bão lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (WIPHA) trên QL.3, đường Hồ Chí Minh, địa phận tỉnh Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên).

Dù cơn bão số 3 (Wipha) đã suy yếu thành vùng áp thấp và đi sâu vào khu vực Thượng Lào, song hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt tại khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Trước tình hình này, Cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo bổ sung gửi Bộ Xây dựng, cập nhật chi tiết các thiệt hại và kết quả khắc phục hậu quả thiên tai từ 16h ngày 22/7 đến 8h sáng 23/7/2025.

Ngay sau khi bão tan, lực lượng quản lý đường bộ từ Trung ương đến địa phương đã không lơi lỏng cảnh giác. Các đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam lập tức được cử đến hiện trường để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị địa phương trong công tác khắc phục hậu quả.

Tại khu vực phía Bắc, nơi mưa bão diễn biến phức tạp nhất, lực lượng của Khu Quản lý đường bộ I đã nhanh chóng xử lý các điểm ngập nước còn tồn tại tại QL3 và một số hầm chui, đảm bảo không còn điểm ngập nào tính đến sáng 23/7. Trong khi đó, một số điểm sạt lở nhỏ trên QL6 cũng đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Tại khu vực miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, mặc dù không xuất hiện tình trạng ngập úng hay sạt lở lớn, các đơn vị vẫn duy trì chế độ trực ứng phó 24/24h, sẵn sàng xử lý khi có tình huống phát sinh. Riêng một số cây đổ tại Hà Tĩnh đã được khắc phục ngay trong buổi sáng 23/7.

Thanh Hóa, Nghệ An: Tâm điểm thiệt hại nhưng phục hồi nhanh chóng

Hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hoàn lưu bão là Thanh Hóa và Nghệ An. Báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hóa cho thấy, đến sáng 23/7, số lượng điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ tăng lên 28 vị trí (so với 10 vị trí trong ngày 22/7), khối lượng đất đá tràn xuống mặt đường ước tính hơn 23.500m³. Nhiều điểm trên QL15, QL15C, QL47… bị chia cắt tạm thời nhưng đã được lực lượng chức năng quyết liệt xử lý, trong đó điểm sạt nghiêm trọng tại Km77+700 (QL15C, xã Nhi Sơn) đã thông xe trở lại.

Trên các tuyến đường tỉnh, 12 điểm ngập nước và nhiều vị trí sạt lở tiếp tục ảnh hưởng đến lưu thông. Tuy nhiên, công tác phân luồng, điều tiết giao thông được tổ chức hiệu quả. Các điểm nguy hiểm được rào chắn, cắm biển cảnh báo và bố trí người trực gác.

Tại Nghệ An, mức độ thiệt hại tiếp tục tăng nhanh với tổng cộng 83 điểm sạt lở ta luy trên các tuyến quốc lộ như QL7, QL16, QL48, trong đó nhiều điểm gây tắc đường. Ngoài ra, có 24 vị trí ngập mặt đường, phần lớn gây chia cắt giao thông. Hệ thống đường tỉnh cũng ghi nhận 16 điểm sạt lở và 16 điểm ngập, khiến nhiều đoạn bị phong tỏa tạm thời.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc khẩn trương của Sở Xây dựng và chính quyền địa phương, đến sáng 23/7, nhiều tuyến đường đã được thông tuyến trở lại. Một số điểm ngập sâu vẫn đang được theo dõi sát để đảm bảo an toàn trước khi thông xe.

Các địa phương khác: Khẩn trương khắc phục, giao thông cơ bản ổn định

Ngoài các tỉnh tâm điểm, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Sơn La, Quảng Trị, Lâm Đồng cũng ghi nhận các thiệt hại nhỏ về cây xanh gãy đổ, biển báo hư hỏng, sạt lở ta luy dương cục bộ. Đặc biệt, mặt cầu Sông Chanh trên tuyến cao tốc Bạch Đằng – Hạ Long bị hư hỏng nhẹ, đã được cảnh báo và khắc phục tạm thời.

Tại Hải Phòng, gần 1.000 cây xanh bị đổ, nhiều đèn tín hiệu và biển báo giao thông hư hỏng, thiệt hại ước tính gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo đến cuối ngày 22/7, tình hình giao thông đã cơ bản ổn định, không ghi nhận ùn tắc nghiêm trọng.

Cơn bão số 3 đã đi qua, để lại những tổn thất không nhỏ cho hạ tầng giao thông ở một số địa phương. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, quyết liệt và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, đến sáng 23/7, giao thông trên hầu hết các quốc lộ và nhiều tuyến đường tỉnh đã được nối lại.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng khó lường, việc duy trì cơ chế ứng trực, kiểm tra hiện trường thường xuyên, cùng sự sẵn sàng phối hợp giữa Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Xây dựng và chính quyền địa phương là yếu tố quyết định để bảo vệ an toàn hạ tầng, bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông – huyết mạch phát triển của đất nước.


Chuyên mục