Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong toàn Ngành để nâng cao chất lượng công tác quản lý vận tải, đào tạo lái xe, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Vụ trưởng Vụ Vận tải và An toàn giao thông Hoàng Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Kết quả nổi bật trong công tác quản lý vận tải và đào tạo lái xe
Tại buổi làm việc, đồng chí Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải đã trình bày báo cáo tổng hợp về các kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hai bên đã cùng thảo luận sôi nổi, trao đổi thẳng thắn các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải đường bộ.
Đồng chí Lương Duyên Thống cho biết, trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, Cục đã chủ trì xây dựng và trình ban hành 5 Nghị định, 5 Thông tư và 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Chính phủ và Bộ Xây dựng.
Lĩnh vực vận tải đường bộ tiếp tục được tổ chức, quản lý theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm cho các địa phương. Cục đã bàn giao nhiều nhiệm vụ quản lý vận tải cho các Sở Xây dựng và phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông tổ chức kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình và camera trên phương tiện vận tải. Đặc biệt, công tác số hóa hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ, với việc áp dụng mã QR trên phù hiệu, giấy phép vận tải; triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Trong vận tải quốc tế, Cục ĐBVN đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả các hiệp định vận tải đường bộ song phương và đa phương, tiêu biểu là với Campuchia và Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác GMS (Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng). Các sự kiện như Hội nghị vận tải Việt Nam – Campuchia lần thứ 10 tại An Giang và Lễ đón đoàn xe Trung Quốc khai thác thử nghiệm tuyến vận tải xuyên biên giới tổ chức tại Hà Nội là minh chứng rõ nét cho nỗ lực hội nhập và mở rộng thị trường vận tải quốc tế.
Về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Cục ĐBVN đã chuyển giao toàn bộ hoạt động sát hạch lái xe sang lực lượng CSGT từ tháng 3/2025, đồng thời tích cực phối hợp triển khai các giải pháp bảo đảm minh bạch, hiệu quả như ứng dụng phần mềm DAT, hệ thống giám sát camera, mô phỏng tình huống giao thông trong đào tạo và sát hạch.
Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái tại buổi làm việc.
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng, chống thiên tai
Công tác bảo đảm ATGT tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Cục đã chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, các nhà đầu tư BOT, Sở Xây dựng rà soát, xử lý hàng nghìn vị trí đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu chưa phù hợp. Trong năm 2024, đã xử lý 139 cụm đèn, khắc phục 4.386 biển báo bất cập, xử lý 15 điểm đen và 11 điểm tiềm ẩn TNGT, với tổng kinh phí gần 125 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong đợt ảnh hưởng của siêu bão Yagi, gây thiệt hại lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Cục ĐBVN đã thể hiện vai trò chỉ huy ứng phó hiệu quả với tinh thần "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng", xử lý kịp thời hơn 560 vị trí ách tắc giao thông, đảm bảo thông suốt tuyến đường phục vụ cứu nạn, cứu hộ.
Song song đó, công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) tiếp tục được tăng cường phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã kiểm tra gần 28.000 xe, phát hiện hơn 4.200 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính hơn 89 tỷ đồng.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Cải cách hành chính, chuyển đổi số và phân cấp mạnh mẽ
Xác định cải cách hành chính và chuyển đổi số là động lực phát triển, Cục ĐBVN đã đẩy mạnh rà soát, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và hơn 55% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Tính đến tháng 5/2025, 91,6% dịch vụ công trực tuyến do Cục cung cấp đã đạt mức toàn trình, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đạt 94,4%.
Trong khuôn khổ mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Cục đã kiến nghị tiếp tục phân cấp các thủ tục quản lý vận tải quốc tế cho địa phương, xây dựng phần mềm kết nối dữ liệu hạn ngạch quốc tế. Bên cạnh đó, công tác xây dựng chính phủ số được triển khai toàn diện, bao gồm cả quản trị nội bộ, quản lý hạ tầng, hệ thống văn bản điện tử và bảo mật an toàn thông tin.
Tại buổi làm việc, Cục ĐBVN đã kiến nghị Bộ Xây dựng một số nội dung trọng tâm nhằm hoàn thiện thể chế và đột phá quản lý: sửa đổi Nghị định 158/2024/NĐ-CP theo hướng toàn diện, bắt buộc sử dụng hợp đồng điện tử, giấy phép điện tử; ưu tiên nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo sạt lở đất đá; hỗ trợ thành lập Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam; và tích hợp "Bình dân học vụ số" cho đội ngũ lái xe.
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Vận tải và An toàn giao thông Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực, kết quả và tinh thần chủ động, sáng tạo của Cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian qua. Hai bên thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau tháo gỡ các nút thắt thể chế, công nghệ, tổ chức bộ máy để xây dựng một nền giao thông hiện đại, an toàn, minh bạch và vì người dân.
Với tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động, Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững lĩnh vực giao thông đường bộ trong thời kỳ mới.