Ảnh minh họa.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Ban Quản lý dự án tập trung triển khai một loạt nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo các đoạn tuyến cao tốc được tiếp nhận và vận hành theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Các Ban Quản lý dự án cần sớm hoàn tất thủ tục nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình theo quy định tại Điều 123, 124 Luật Xây dựng năm 2014; Điều 31 Luật Đường bộ năm 2024; Nghị định số 06/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Hồ sơ nghiệm thu phải có kết quả kiểm tra của Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
Đồng thời, các đơn vị liên quan phải lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu, công trình an toàn giao thông theo quy định tại Luật Đường bộ năm 2024. Phương án tổ chức giao thông cần được lập và trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt, bảo đảm phù hợp với Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024. Việc thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông cũng phải được thực hiện nghiêm ngặt trước khi đưa vào khai thác.
Cục Đường bộ yêu cầu các Ban Quản lý dự án lập và phê duyệt quy trình vận hành khai thác, quy trình bảo trì công trình theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP và Thông tư số 41/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, cần chuẩn bị đầy đủ danh mục hồ sơ tài liệu phục vụ công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ công trình theo đúng quy định pháp luật.
Các Ban Quản lý dự án cũng được yêu cầu phối hợp với các Khu Quản lý đường bộ tiến hành rà soát, kiểm đếm tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo Nghị định số 44/2024/NĐ-CP, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định giao tài sản cho đơn vị quản lý khi đủ điều kiện. Riêng các tài sản trên tuyến đường gom, đường bên và các cầu vượt trực thông sẽ bàn giao cho địa phương hoặc phân cấp quản lý phù hợp theo quy định tại Luật Đường bộ 2024.
15 tuyến cao tốc sẽ hoàn thành trong năm 2025
Trong trường hợp công trình đã đưa vào khai thác nhưng chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng, Cục Đường bộ nhấn mạnh rằng chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp tục quản lý, vận hành, bảo trì tạm thời. Chi phí cho hoạt động này sẽ được sử dụng từ tổng mức đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đường bộ.
Trước khi chính thức bàn giao cho đơn vị quản lý, các Ban Quản lý dự án cần chỉ đạo nhà thầu và các đơn vị liên quan khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập (nếu có) của kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến.
Đặc biệt, với các đoạn tuyến cao tốc dự kiến đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2025 gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Bùng – Vạn Ninh và Vân Phong – Nha Trang, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Ban Quản lý dự án 6, 7 và Ban Thăng Long hoàn thiện toàn bộ các nội dung trên trước ngày 20/4/2025. Đối với các đoạn tuyến khác, thời hạn hoàn thiện là 15 ngày trước thời điểm bàn giao.