Cục đường bộ Việt Nam

Department For Roads Of Viet Nam

  • :
  • :
Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng! - Đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, trách nhiệm, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu tăng cường bảo đảm giao thông, điều chỉnh biển báo phù hợp thực tiễn khai thác

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả tổ chức khai thác đường bộ, Cục ĐBVN vừa có văn bản gửi các đơn vị quản lý tuyến, chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan chức năng yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường bảo đảm giao thông, đồng thời rà soát, điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ phù hợp với tình hình thực tế và quy định mới.

 

Tăng cường tuần kiểm, đảm bảo an toàn trên tuyến

Theo chỉ đạo, các Khu Quản lý đường bộ I, II, III, IV; Sở Xây dựng các địa phương; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); các nhà đầu tư dự án PPP và các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam cần tăng cường công tác tuần đường, tuần kiểm, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường đang khai thác.

Khi thực hiện công tác quản lý, bảo trì hoặc tham gia giải quyết xử lý, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn giao thông xảy ra, có việc dừng đỗ xe bất khả kháng chiếm dụng lòng đường thì hướng dẫn phân luồng giao thông, bố trí đầy đủ trang thiết bị, nhân công cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại Tiêu chuẩn TCCS14:2016/TCĐBVN về Tổ chức giao thông và Bố trí phòng hộ khi thi công trên đường bộ đang khai thác và các quy định khác có liên quan (lưu ý tăng cường các biện pháp cảnh báo từ xa bằng báo hiệu đường bộ)

Các đơn vị được yêu cầu chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông; bố trí lực lượng, thiết bị cảnh báo và tổ chức phân luồng giao thông hợp lý khi có tình huống bất khả kháng làm chiếm dụng mặt đường. Đặc biệt, cần tuân thủ nghiêm Tiêu chuẩn TCCS14:2016/TCĐBVN về tổ chức giao thông và bố trí phòng hộ khi thi công trên đường đang khai thác.

Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý tuyến phải thường xuyên theo dõi tình hình giao thông thực tế, đánh giá các bất cập phát sinh như độ nhám mặt đường chưa đạt, đường cong, nút giao nguy hiểm, tầm nhìn hạn chế… để đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Điều chỉnh biển báo mã hiệu quốc lộ, cao tốc và cảnh báo chiều cao tĩnh không

Liên quan đến hệ thống báo hiệu đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam lưu ý hiện nay một số biển báo có thông tin mã hiệu đường cao tốc, quốc lộ chưa được cập nhật theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 và điều chỉnh tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 03/01/2025.

Để khắc phục tình trạng trên, Cục yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị quản lý tuyến rà soát, cập nhật mã hiệu tuyến theo đúng danh mục tại hai Quyết định nêu trên, đảm bảo thống nhất với Quy chuẩn QCVN41:2024/BGTVT.

Riêng với biển báo giới hạn chiều cao, Cục hướng dẫn cụ thể:

  • Tại các vị trí có chiều cao tĩnh không dưới 4,75m: phải đặt cả biển số P.117 (biển cấm vượt chiều cao) và biển W.239b (biển cảnh báo chiều cao hạn chế);
  • Với các vị trí tĩnh không từ 4,75m đến dưới 5,5m hoặc trên các đường dân sinh như hầm chui, cống hộp: chỉ cần đặt biển W.239b;
  • Những nơi có chiều cao tĩnh không trên 5,5m: không cần lắp biển báo hạn chế chiều cao.

Cục yêu cầu, trường hợp phát hiện các biển báo không còn phù hợp với thực tế, chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc có nguy cơ gây hiểu nhầm, phải nhanh chóng được điều chỉnh hoặc tháo dỡ.

Đảm bảo đồng bộ – kịp thời – hiệu quả trong tổ chức giao thông

Việc tổ chức giao thông an toàn, hợp lý không chỉ là trách nhiệm kỹ thuật mà còn là yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ tính mạng, tài sản người dân và phương tiện. Các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để rà soát và điều chỉnh hệ thống báo hiệu giao thông phù hợp với thực tiễn.

Chỉ đạo lần này tiếp tục thể hiện sự quyết liệt của Cục Đường bộ Việt Nam trong việc hiện đại hóa và chuẩn hóa mạng lưới đường bộ quốc gia, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình mới.


Tập tin đính kèm
Tác giả: PV

Chuyên mục