Chủ động phòng chống và khắc phục kịp thời
Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Xây dựng, đơn vị quản lý đường bộ đã triển khai nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, Cục ĐBVN để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Các phương án đảm bảo giao thông đã được kích hoạt kịp thời, gồm: hót dọn đất đá sạt tràn mặt đường, khơi thông cống rãnh, lắp đặt biển báo cảnh báo, phân luồng tại các điểm ngập, sụt lở. Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24 tại các vị trí trọng điểm, xử lý ngay các sự cố phát sinh để hạn chế tối đa thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Cục ĐBVN kiểm tra hiện trường tại Nghệ An
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam đã cử đoàn công tác do Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Hoài trực tiếp dẫn đầu, phối hợp cùng Khu Quản lý đường bộ II, Sở Xây dựng Nghệ An, lực lượng Cảnh sát giao thông và các nhà đầu tư, tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tại hiện trường, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Hoài đã chỉ đạo các lực lượng triển khai ngay các giải pháp khắc phục tạm thời, đảm bảo lưu thông tại những điểm bị ngập sâu, sạt lở và chia cắt. Đồng thời yêu cầu huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa lũ tiếp theo.
Thiệt hại và tình hình khắc phục tại các địa phương
Khu Quản lý đường bộ I, II, III
Giao thông trên các tuyến do các Khu này quản lý cơ bản đã được đảm bảo. Các điểm ngập nước trước đó đã rút, không phát sinh thêm sạt lở ta luy gây ách tắc.
Tỉnh Lào Cai
Ghi nhận 03 điểm ngập cục bộ tại Km92+350 QL.32C và đoạn Km95+200 - Km95+400 QL.2D, với mực nước ngập khoảng 30cm nhưng vẫn đảm bảo xe ô tô lưu thông. Một số điểm sạt nhỏ đã được khắc phục. Giao thông cơ bản thông suốt.
Tỉnh Nghệ An
Là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, trên địa bàn hiện vẫn còn 21 điểm ngập nước, giảm 11 điểm so với trước đó, tập trung trên QL.7 và 07 tuyến đường tỉnh.
- Tuyến ĐT.543D hiện bị cấm đường do sạt trượt ta luy âm, dương và xói trôi cống.
- Các xã Tương Dương, Mường Quàng, Na Loi và nhiều xã vùng cao khác xuất hiện tình trạng sập, cuốn trôi 4 cầu treo dân sinh, hàng loạt tuyến đường xã, thôn bản bị sạt lở, chia cắt, gây hư hỏng nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông.
Tổng cộng tại Nghệ An ghi nhận 216 điểm hư hỏng, gồm:
- Quốc lộ: 160 điểm/4 tuyến (QL.7, QL.16, QL.48, QL.48C)
- Đường tỉnh: 56 điểm/6 tuyến (ĐT.538, ĐT.543B, ĐT.543C, ĐT.543D, ĐT.541, ĐT.544)
- Các công trình bị xói lở nghiêm trọng như cầu Tân Xà (Km173+270 QL.7), cầu Na Mỳ (Km65+300 ĐT.543D), nhiều cống ngang bị trôi, đứt đường.
Tỉnh Thanh Hóa
Hiện tại vẫn còn 03 điểm tắc đường do sạt lở tại:
- Km190+300/QL.16 (xã Yên Nhân)
- Km22+550/ĐT.519B (xã Luận Thành)
- Km133+600/đường TTBG (xã Bát Mọt)
Về thiệt hại:
- Trên quốc lộ: 83 vị trí sạt taluy dương, 09 vị trí sạt taluy âm, hư hỏng mặt đường, cầu, cống, tường chắn...
- Trên đường tỉnh: 181 vị trí sạt lở, sa bồi mặt đường, đá lăn, hư hỏng cống, rãnh, xói lở lề đường... Tổng khối lượng đất đá cần xử lý ước tính khoảng 23.000m³.
Tiếp tục ứng trực, rà soát các điểm xung yếu
Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, tổ chức rà soát và cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở cao, chủ động xây dựng phương án ứng phó trong tình huống mưa lớn tiếp diễn. Đồng thời, phối hợp với các địa phương khẩn trương bố trí lực lượng, thiết bị, vật tư để khắc phục triệt để các điểm hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông.
Tuy cơn bão số 3 (Wipha) đã gây ra những thiệt hại lớn về hạ tầng giao thông, nhưng với sự chủ động và chỉ đạo sát sao từ Cục Đường bộ Việt Nam, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, công tác khắc phục hậu quả đang được triển khai khẩn trương, hiệu quả. Công tác ứng phó trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục được duy trì ở mức độ cao để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.