Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về giao thông
Chương trình hành động của Cục Đường bộ Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng. Mục tiêu cốt lõi là tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khắc phục những tồn tại, bất cập kéo dài, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, hiện đại.
Chương trình nhấn mạnh yêu cầu tập trung triển khai Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, hình thành văn hóa giao thông trong nhân dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý giao thông
Một điểm nhấn quan trọng của Chương trình là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về giao thông. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, liên thông giữa các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thủ tục, tăng tính minh bạch và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Ưu tiên xử lý các điểm đen, nút thắt giao thông tại các đô thị lớn
Cục Đường bộ Việt Nam xác định rõ các tuyến giao thông trọng điểm cần ưu tiên xử lý ùn tắc như: cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Thái Nguyên; tại TP.HCM là cao tốc Trung Lương, Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành cùng các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50, 51... Việc triển khai đồng bộ các giải pháp tại đây sẽ góp phần quan trọng trong cải thiện năng lực vận tải, giảm thiểu ách tắc và tai nạn giao thông.
Bảo vệ hành lang, kết cấu hạ tầng và quỹ đất giao thông tĩnh
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Cục Đường bộ Việt Nam đặt ra là bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng, đề xuất chính quyền địa phương cưỡng chế vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, Cục cũng sẽ rà soát và kiến nghị bố trí quỹ đất hợp lý cho các công trình giao thông tĩnh như bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ, trung tâm điều hành giao thông.
Tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát nghiêm túc
Việc thực hiện Chương trình hành động sẽ được tổ chức bài bản, có kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ. Phòng Quản lý, tổ chức giao thông được giao làm đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện để báo cáo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan. Các phòng chuyên môn khác cũng chịu trách nhiệm giám sát các mảng công việc được phân công, đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Các Sở Xây dựng địa phương được yêu cầu chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch hành động cấp tỉnh, phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam trong triển khai các giải pháp cụ thể tại địa phương mình.
Chương trình hành động của Cục Đường bộ Việt Nam không chỉ là sự cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, mà còn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Chương trình hành động lần này không chỉ là một kế hoạch thực hiện mà còn thể hiện tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, bài bản, mang tính hệ thống của ngành đường bộ trong thời kỳ mới. Đây cũng là bước đi thiết thực góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vì sự an toàn, tiện ích của mọi người dân. Với sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong và ngoài ngành, cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Xây dựng, tin tưởng rằng mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân sẽ đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới.