Chuyển đổi số mạnh mẽ giúp lĩnh vực đường bộ có những thay đổi trong quản lý, điều hành, tiết giảm thủ tục hành chính...Điển hình là "số hóa" thông tin lịch sử từng tuyến đường, cây cầu để quản lý.
Dẫn đầu về chuyển đổi số
Theo ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam), đến thời điểm này Cục Đường bộ Việt Nam đã số hóa toàn hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu khổng lồ của lĩnh vực đường bộ và lưu trữ trên điện toán đám mây. Để chuẩn bị cho quá trình này, toàn bộ nhân, vật lực của ngành Đường bộ đã được huy động và vận hành hết công suất.
Đơn cử như việc tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp thực hiện gắn thẻ nhận diện phương tiện để qua các trạm thu phí không dừng là cả một quá trình kéo dài gần 10 năm... Đến nay, toàn bộ 155 trạm thu phí trên toàn quốc với tổng số 893 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng.
Tất cả các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ được vận hành thu phí theo phương án chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy. Đối với các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng toàn bộ. Với những thay đổi đó, phương tiện chỉ mất 3 - 5 giây khi qua trạm thu phí, trong khi đó cơ quan quản lý thống kê chính xác được từng phương tiện, lượng tiền doanh nghiệp thu trong ngày, dòng tiền đã đổ về ngân hàng và về các nhà đầu tư dự án. Đặc biệt, thông tin thu phí đều được thông báo công khai, minh bạch giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và nhà đầu tư.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp được 55 dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đường bộ. Trong đó, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình là 22/30, đạt 73,33%; tỷ lệ được tích hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 27/30, đạt 90%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Cùng với đó, ngành Đường bộ cũng đã số hóa dữ liệu và thực hiện quản lý qua GPS và camera 25.807 km quốc lộ, 2.021 km đường cao tốc, 7.677 cầu, 33,5 triệu giấy phép lái xe, 939.000 xe kinh doanh vận tải, 155 trạm thu phí không dừng, hệ thống phà vượt sông... Tất cả hồ sơ được số hóa gồm các tư liệu như một "bệnh án", lưu trữ thông tin từ hồ sơ thiết kế, lịch sử sửa chữa, hiện trạng và giá trị tài sản còn lại... Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để Bộ GTVT và các địa phương thực hiện kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, đầu tư mới, đồng thời các doanh nghiệp truy cập công khai trên hệ thống để có cơ sở lập dự toán hồ sơ đấu thầu trên Cổng Đấu thầu Quốc gia.
Phân cấp triệt để cho địa phương
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, từ ngày 1/6/2024, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được ngành Đường bộ phân cấp triệt để cho các địa phương. Cụ thể, các sở GTVT trực tiếp quản lý hoạt động các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch chịu trách nhiệm duy trì điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo lái xe đảm bảo thời gian, chương trình và nội dung theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của Bộ GTVT.
Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ còn cấp giấy phép lái xe quốc tế do chỉ có 5 sở GTVT đủ điều kiện cấp trực tiếp và trực tuyến toàn trình. Công tác đào tạo lái xe được các sở GTVT tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy định không được tuyển sinh qua trung gian và có trách nhiệm ký hợp đồng đào tạo với người học lái xe ô tô.
"Hiện nay, dữ liệu giám sát phòng sát hạch lý thuyết và các bài sát hạch lái xe trong hình của các trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc đã được kết nối về Cục Đường bộ Việt Nam để chia sẻ đến các cơ quan có thẩm quyền giám sát công tác sát hạch. Với việc đổi mới, áp dụng thiết bị, công nghệ tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong hình, lái xe trên đường và tổ chức giám sát các kỳ sát hạch, chất lượng sát hạch lái xe hiện nay được đánh giá là nâng cao rõ rệt, các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp, được dư luận rất đồng tình", ông Thống khẳng định.
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, ngành Đường bộ đã có nhiều đổi mới, được người dân, doanh nghiệp, Bộ GTVT, Chính phủ ghi nhận. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Đường bộ được đánh giá là ngành dẫn đầu về công tác chuyển đổi số, xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính vì người dân và doanh nghiệp.
Để chuẩn bị thực thi Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT về tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương không chỉ trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe mà cả công tác đầu tư, quản lý, xây dựng, khai thác, bảo trì đường bộ.
Nguồn: Tạp chí giao thông