Vụ tai nạn thảm khốc và dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 2h sáng ngày 25/7/2025, xe khách giường nằm 43F-007.76 do tài xế Lê Ngọc Thành (SN 1989, trú tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đã bất ngờ mất lái, đâm vào cọc tiêu rồi lật nghiêng tại Km571+800 Quốc lộ 1. Vụ việc khiến 10 người thiệt mạng tại chỗ, 15 người bị thương nặng, gây chấn động dư luận và được xác định là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện khẩn số 121/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương xử lý, trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, cấp phép và vận hành phương tiện. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Văn bản số 7407/BXD-VT&ATGT triển khai chỉ đạo của Thủ tướng.
Cục Đường bộ Việt Nam: Chỉ đạo cụ thể, yêu cầu xử lý nghiêm chủ phương tiện
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Cục Đường bộ Việt Nam, đã ngay lập tức có văn bản gửi Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, yêu cầu triển khai ba nội dung chỉ đạo trọng tâm: Khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện số 121/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 7407/BXD-VT&ATGT của Bộ Xây dựng.
Tổ chức kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin chủ phương tiện là bà Vương Thị Kim Chi (trú tại K121/14 Hoàng Văn Thụ, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Trường hợp phát hiện chủ phương tiện có Giấy phép kinh doanh vận tải nhưng vi phạm quy định, Cục yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo UBND TP Đà Nẵng để áp dụng biện pháp tạm dừng hoạt động phương tiện nhằm phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm nếu có hành vi cố tình đưa phương tiện không đủ điều kiện ra hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong trường hợp phù hiệu đã bị thu hồi và phương tiện không còn hiệu lực đăng ký kinh doanh trên hệ thống phần mềm quản lý vận tải.
Thông tin từ báo cáo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng
Theo Báo cáo số 1297/BC-SXD ngày 25/7/2025 do Sở Xây dựng TP Đà Nẵng gửi về Cục ĐBVN: Xe khách 43F-007.76 đã bị đình chỉ hoạt động từ ngày 16/7/2025, cùng với phương tiện 43F-008.47, theo Thông báo số 704/TB-SXD; phù hiệu bị thu hồi và chuyển trạng thái “hết hiệu lực” trên hệ thống quản lý vận tải.
Hiện tại, phương tiện này không có giấy phép kinh doanh hợp pháp và cũng không được cấp phù hiệu vận tải còn hiệu lực.
Tuy nhiên, chủ xe vẫn ngang nhiên đưa xe vào hoạt động vận tải hành khách, dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, vụ tai nạn là hậu quả đau lòng của việc quản lý, vi phạm nghiêm trọng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải. Việc xe khách không còn phù hiệu hợp lệ vẫn hoạt động “chui” cho thấy lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát và cần được xử lý triệt để để làm gương và ngăn chặn tái diễn.
Cục yêu cầu Sở Xây dựng Đà Nẵng khẩn trương kiểm tra toàn diện hoạt động vận tải hành khách của các cá nhân, tổ chức liên quan, không để tồn tại tình trạng tương tự gây mất an toàn giao thông và tính mạng người dân.
Sự vào cuộc quyết liệt của Cục Đường bộ Việt Nam trong chỉ đạo xử lý vụ việc cho thấy tinh thần trách nhiệm cao, thái độ cứng rắn và định hướng rõ ràng trong chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, đặc biệt sau những vụ tai nạn thương tâm. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ hiện nay.